Đau đầu do căng thẳng nói chung là một cơn đau lan tỏa, từ nhẹ đến trung bình trong đầu và thường được mô tả là cảm giác như có một vòng dây quấn chặt quanh đầu. Hiện có nhiều phương pháp điều trị và kiểm soát đau đầu do căng thẳng. Bài viết sẽ giúp bạn có được cách làm giảm đau đầu khi căng thẳng hiệu quả và sử dụng thuốc một cách hợp lý.
1. Đau đầu do căng thẳng
Đau đầu do căng thẳng là loại đau đầu phổ biến nhất, những nguyên nhân của nó vẫn chưa được hiểu rõ. Đau đầu do căng thẳng là những cơn đau âm ỉ, căng tức hoặc có áp lực xung quanh trán hoặc sau đầu và cổ của người bệnh. Một số người nói rằng nó giống như cảm giác có một chiếc kẹp đang bóp chặt hộp sọ của họ. Chúng còn được gọi là đau đầu do căng thẳng và là loại phổ biến nhất đối với người trưởng thành. Đau đầu do căng thẳng có thể chia thành 2 loại :
- Đau đầu căng thẳng từng đợt xảy ra ít hơn 15 ngày trong mỗi tháng.
- Đau đầu căng thẳng mãn tính xảy ra nhiều hơn 15 ngày một tháng.
Các triệu chứng phổ biến của chứng đau đầu do căng thẳng bao gồm:
- Đau hoặc áp lực nhẹ đến trung bình ở phía trước, trên cùng hoặc hai bên đầu
- Đau đầu bắt đầu muộn hơn trong ngày
- Khó ngủ, ngủ không ngon giấc
- Cảm thấy rất mệt mỏi
- Cáu gắt
- Nhạy cảm với ánh sáng hoặc tiếng ồn
- Đau cơ
Không giống như đau nửa đầu, những người bị đau đầu do căng thẳng sẽ không có các triệu chứng thần kinh khác, chẳng hạn như yếu cơ hoặc mờ mắt. Và đau đầu do căng thẳng thường không dẫn đến tình trạng nhạy cảm nghiêm trọng với ánh sáng hoặc tiếng ồn, đau dạ dày, buồn nôn hoặc nôn….
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra chứng đau đầu miễn là những nguyên nhân đó có thể gây ra tình trạng căng thẳng cho người bệnh. Một số người mắc chứng đau đầu căng thẳng do các cơ ở sau cổ và da đầu bị căng.
Trong đa số các trường hợp, đau đầu do căng thẳng được kích hoạt bởi những căng thẳng, áp lực từ công việc, trường học, gia đình, bạn bè hoặc các mối quan hệ khác. Những giai đoạn căng thẳng xuất hiện thường bắt đầu bởi một tình huống áp lực duy nhất hoặc sự tích tụ của căng thẳng. Căng thẳng hàng ngày không được giải quyết hoặc điều trị có thể dẫn đến tình trạng mãn tính. Các tác nhân gây ra đau đầu căng thẳng có thể bao gồm:
- Nghỉ ngơi không đủ
- Không duy trì đúng tư thế trong lúc nằm, ngồi hoặc làm việc
- Căng thẳng về mặt cảm xúc hoặc tinh thần, bao gồm cả trầm cảm
- Lo lắng quá mức
- Mệt mỏi
- Ăn uống không đủ chất
- Thiếu sắt
- Lạm dụng chất kích thích như rượu, thuốc lá, caffeine…
- Các vấn đề về hàm hoặc răng
- Mất nước
- Bỏ bữa
- Cảm lạnh, cúm hoặc viêm xoang
2. 4 cách để giảm đau đầu do căng thẳng
- Hãy chú ý đến những điều cơ bản. Những điều cơ bản được đề cập đến ở đây bao gồm ngủ đủ giấc, không bỏ bữa, ăn uống và sinh hoạt điều độ để tránh căng thẳng, mệt mỏi.
- Kỹ thuật thư giãn. Các liệu pháp thư giãn thể chất và tâm lý có thể giúp giảm đau đầu do căng thẳng, miễn là chúng ta thực hành các kỹ thuật này thường xuyên. Các phương pháp vật lý bao gồm chườm nóng lên cổ và vai để thư giãn các cơ. Tập thể dục các vùng cơ này cũng giúp tăng cường sức mạnh và kéo căng chúng. Các bài tập hình ảnh có hướng dẫn giúp chúng ta tập trung sự chú ý vào các bộ phận khác nhau trên cơ thể để thư giãn và giải tỏa căng thẳng cũng có thể hữu ích.
- Phản hồi sinh học. Kỹ thuật thư giãn này đòi hỏi sự hướng dẫn đặc biệt nhưng có thể giúp mọi người tránh những cơn đau đầu do căng thẳng tái phát.
- Phương pháp tiếp cận y tế.
3. Phòng ngừa đau đầu do căng thẳng
Một trong những phương pháp hàng đầu giúp cải thiện tình trạng đau đầu do căng thẳng là phòng ngừa vào không để chúng xảy ra.
Hãy thử các phương pháp điều trị này để làm cho cơn đau đầu của mình bớt nghiêm trọng hoặc ít thường xuyên hơn.
Tìm cách thư giãn và quản lý căng thẳng như:
- Phản hồi sinh học
- Liệu pháp nhận thức hành vi
- Châm cứu
- Liệu pháp xoa bóp
- Vật lý trị liệu
- Thở sâu
- Thiền
- Yoga
- Liệu pháp thôi miên
Thay đổi lối sống cũng có thể hữu ích. Những thay đổi trong lối sống sau có thể giúp chúng ta phòng ngừa đau đầu do căng thẳng hiệu quả:
- Hạn chế căng thẳng. Cố gắng lập kế hoạch và thực hiện công việc một cách có tổ chức. Những việc giúp cơ thể được thư giãn, như mát-xa hoặc thiền, cũng có thể hữu ích.
- Cố gắng tăng tốc độ bản thân. Nghỉ giải lao. Dành thời gian để làm những việc mình thích. Đối với một số người, việc thiền chánh niệm thay vì chạy theo những suy nghĩ lo lắng và sợ hãi – có thể hữu ích.
- Xây dựng hệ thống hỗ trợ của riêng mình. Hãy dành thời gian cho những người mình yêu thương. Bạn cũng có thể muốn đặt lịch một số buổi trị liệu với chuyên gia trị liệu để tìm ra giải pháp và quản lý bất kỳ sự lo lắng hoặc trầm cảm nào mà mình có thể mắc phải.
- Luyện tập thể dục thường xuyên. Ít nhất 30 phút mỗi ngày trong năm ngày một tuần là thời gian tập luyện thể dục lý tưởng. Nó làm giảm căng thẳng và giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Nó cũng giúp kéo dãn một số vùng cơ. Hãy chú ý đến hàm, cổ và vai. Đây là những khu vực chịu nhiều áp lực mà chúng ta có xu hướng giữ nhiều căng thẳng.
- Ngủ đủ giấc. Khi được nghỉ ngơi đầy đủ, việc đối phó với căng thẳng hàng ngày sẽ dễ dàng hơn nhiều.
- Cải thiện tư thế. Một tư thế chuẩn và vững vàng có thể giúp giữ cho các cơ của bạn không bị căng. Khi đứng, giữ vai của mình về phía sau. Làm săn chắc bụng và mông. Khi ngồi, hãy đảm bảo rằng đùi của mình song song với sàn trong khi đầu và cổ không bị đổ về phía trước.
- Uống nhiều nước. Nếu bị mất nước, bạn có nhiều khả năng bị đau đầu do căng thẳng. Uống đủ nước mỗi ngày, ngay cả khi không khát.
- Ăn các bữa ăn cân bằng và đều đặn mỗi ngày. Bỏ bữa có thể gây ra đau đầu. Cố gắng ăn vào những thời điểm xác định mỗi ngày. Bổ sung thêm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn uống của mình.
- Hạn chế caffeine và rượu. Caffeine có thể gây kích thích và khiến chứng đau đầu trở nên nghiêm trọng hơn. Uống ít cà phê và trà cùng đồ uống giàu năng lượng và nước ngọt.
- Hạn chế uống thuốc giảm đau. Sử dụng liều lượng nhỏ nhất có thể. Không dùng thuốc giảm đau nhiều hơn một hoặc hai lần một tuần.
- Sử dụng một cuốn nhật ký ghi lại những khoảnh khắc cảm thấy đau đầu. Điều này sẽ giúp chúng ta phát hiện các yếu tố kích hoạt. Nó cũng sẽ giúp bác sĩ đưa ra kế hoạch điều trị. Khi bạn bị đau đầu, hãy ghi lại những thứ như ngày, giờ, bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào hoặc các triệu chứng khác, vị trí và cường độ của cơn đau, bạn đang làm gì, thuốc bạn đã dùng và thức ăn bạn đã ăn.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org, health.harvard.edu, webmd.com